Đá khai thác thông thường phải đảm bảo pháp lý về nguồn gốc khoáng sản, quy cách và chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định thì mới được xuất khẩu làm vật liệu xây dựng.
Mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Công ty TNHH Hong Lin để hướng dẫn xuất khẩu đá làm vật liệu xây dựng thông thường.

Trước đó, Công ty Hong Lin (có địa chỉ tại thành phố Vinh, Nghệ An) đã có văn bản đề nghị được hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Cụ thể, doanh nghiệp này mua đá khai thác trực tiếp tại mỏ bằng phương pháp nổ mìn cho ra những kích thước và hình khối khác nhau, không đồng nhất, không qua gia công, đẽo, cắt, gọt thành sản phẩm thì có đủ điều kiện để xuất khẩu làm vật liệu xây dựng không.

Hướng dẫn xuất khẩu đá khai thác tại mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn. Theo đó, nguồn gốc, danh mục, quy cách và chỉ tiêu kỹ thuật đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng xuất khẩu, trong đó có đá làm vật liệu xây dựng thông thường được quy định tại Điều 3 của Thông tư số 04/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Về nguồn gốc, khoáng sản được khai thác theo giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản hoặc quyết định việc khai thác khoáng sản đi kèm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Còn về quy cách và chỉ tiêu kỹ thuật, vật liệu đá được sử dụng làm cấp phối bê tông, rải đường giao thông hoặc các mục đích khác; đã được gia công đập, nghiền, sàng phân loại thành sản phẩm; kích thước cỡ hạt ≤ 100 mm.

Bên cạnh đó, đối với sử dụng vật liệu xây dựng đá để kè bờ, xây móng, xây tường, lát vỉa hè, lòng đường hoặc các mục đích khác; đã được gia công đẽo; cắt; gọt thành sản phẩm.

Như vậy, đá khai thác thông thường phải đảm bảo pháp lý về nguồn gốc khoáng sản, quy cách và chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định thì mới được xuất khẩu làm vật liệu xây dựng.

Nguồn: cafeland.vn